Hành trình mang thai - nhật ký từng tuần của một bà bầu
Hành trình mang thai - nhật ký từng tuần của một bà bầu

Cơ thể của bạn trải qua một loạt các thay đổi trong suốt hành trình mang thai, từ đau vú trong ba tháng đầu đến đau lưng ở tam cá nguyệt thứ ba. Sau đây là danh sách các triệu chứng mang thai theo tuần.

 ThuyNguyenMD dịch - Theo Parents.com 

Tuần 1

Thực tế là lúc này bạn không có thai, vì các bác sĩ tính ngày dự sinh của bạn theo từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Lúc này bạn có các trải nghiệm các triệu chứng kinh nguyệt điển hình: chảy máu, chuột rút, đau ngực, thay đổi tâm trạng, …

Tuần 2

Rụng trứng xảy ra trong tuần thứ hai. Buồng trứng của bạn sẽ giải phóng một quả trứng trưởng thành đi vào ống dẫn trứng, nơi nó chờ thụ tinh với tinh trùng. Các triệu chứng rụng trứng bao gồm đau bụng dưới , đau vú, dịch âm đạo như lòng trắng trứng và tăng nhiệt độ cơ thể.

Tuần 3

Trong tuần thứ ba, trứng được thụ tinh và làm tổ trong niêm mạc tử cung. Một số phụ nữ bị đau quặn bụng nhẹ hoặc chảy một ít máu được gọi là chảy máu do trứng làm tổ. Hãy tới gặp bác sĩ nếu bạn bị chảy máu nhiều hoặc đau dữ dội; đó có thể là một dấu hiệu của thai ngoài tử cung trong đó trứng làm tổ ngoài tử cung (thường là trong ống dẫn trứng).

Tuần 4

Que thử thai dương tính, chúc mừng bạn! Đau vú là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất, nó khiến việc mặc áo ngực của bạn cảm thấy khó chịu. Một số phụ nữ sẽ thấy tăng nhạy cảm khứu giác hoặc vị giác, mệt mỏi, táo bón, đầy hơi và thay đổi tâm trạng. Nhưng đừng lo lắng nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng mang thai nào; có thể mất thêm vài tuần để xuất hiện các triệu chứng này.

Tuần 5

Sự thay đổi tâm trạng do hoocmon gây ra mang lại nhiều cảm xúc trong tuần thứ năm. Cảm xúc của bạn có thể sẽ thay đổi từ hạnh phúc sang chán nản, tức giận mà không có lý do. Các triệu chứng mang thai sớm khác giống như mệt mỏi và đau vú. 

Tuần 6

Đối với một số phụ nữ, tuần thứ sáu mang đến một trong những triệu chứng đáng sợ nhất: ốm nghén (mặc dù nó có thể bắt đầu muộn hơn hơn trong thai kỳ của bạn). Khứu giác tăng cao của bạn có thể làm trầm trọng thêm sự buồn nôn này, điều này tạo tiền đề cho sự thèm ăn và ác cảm với thức ăn. Ốm nghén có thể kéo dài cho đến tam cá nguyệt thứ hai, vì vậy, tốt nhất là bạn nên tìm cách đối phó. Một số phụ nữ thấy nhẹ nhõm bằng cách ăn các bữa ăn nhỏ hơn, ăn gừng, bấm huyệt và tránh một số thực phẩm kích hoạt nôn.

Tuần 7

Đi tiểu thường xuyên là một triệu chứng mang thai sớm do một số yếu tố: hormone thai kỳ hCG, tử cung đang phát triển chèn ép bàng quang và thận làm việc cực kỳ chăm chỉ để loại bỏ chất thải.

Tuần 8

Các triệu chứng mang thai của bạn có thể đã xuất hiện đầy đủ ở thời điểm này: buồn nôn, đau vú, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, thay đổi tâm trạng, đầy hơi,…Một triệu chứng bất thường khác là tăng tiết nước bọt, đôi khi kéo dài đến hết tam cá nguyệt thứ nhất. Một số phụ nữ cũng bị đau đầu do tăng nội tiết tố, căng thẳng và mất nước.

Tuần 9

Bạn có biết rằng mang thai có một chút ảnh hưởng lên hệ thống tiêu hóa không? Nhiều phụ nữ bị táo bón và đầy hơi, ngoài ra còn có cảm giác buồn nôn kèm theo ốm nghén. Đừng lo lắng, nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ hết sau khi qua tam cá nguyệt đầu tiên.

Tuần 10

Bạn có đẹp rạng rỡ lên không? Một số phụ nữ có thai đẹp rạng rỡ hơn trong ba tháng đầu, trong khi những người khác bị mụn trứng cá do hormone. Ngoài ra ngực và bụng của bạn trở nên to hơn sau mỗi tuần.

Tuần 11

Bé đang lớn dần trong bụng của bạn có thể gây đau nhẹ bụng dưới, hay còn gọi là đau dây chằng tròn, có thể đau nhẹ hoặc đau quặn. Hơn nữa, có một chút dịch trắng trong suốt trong đồ lót của bạn báo hiệu rằng cơ thể đang cố gắng làm sạch vi khuẩn.

Tuần 12

Bạn có biết rằng lượng máu tăng khoảng 50 phần trăm trong khi mang thai? Điều đó dẫn tới một tác dụng phụ là các tĩnh mạch có thể nhìn thấy trên da, đặc biệt dễ thấy ở phụ nữ có làn da trắng.

Tuần 13

Khi bạn gần cuối tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều triệu chứng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, có thể xuất hiện cảm giác chóng mặt suốt cả ngày. Điều này do sự thay đổi nội tiết tố, gây giảm lưu lượng máu và hạ huyết áp. Nếu bạn bị, hãy hít thở sâu, và thử cúi đầu xuống giữa hai đầu gối.

Tuần 14

Bạn chính thức trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ! Nhiều mẹ bầu lúc này cảm thấy thèm ăn, năng lượng được tái tạo và ham muốn tình dục cao hơn sau vài tuần mệt mỏi. Hãy tận dụng năng lượng tích cực này để bắt đầu một thói quen tốt như tập thể dục, có thêm sức khỏe để đón em bé.

Tuần 15

Tam cá nguyệt thứ hai đi kèm với một vài triệu chứng lạ. Bạn có thể bị nghẹt mũi (do lưu lượng máu tăng trong niêm mạc mũi), chuột rút ở chân và nướu nhạy cảm. Khi hormone relaxin gia tăng ở thời gian này, làm thư giãn các dây chằng, khiến bạn cũng có thể cảm thấy chân tay có chút vụng về.

Tuần 16

Khoảng 90 % phụ nữ mang thai bị sạm da quanh núm vú, đùi trong, nách và rốn. Đôi khi, sạm da kéo dài đến má và mũi (hình ảnh mặt nạ của bà bầu) – đặc biệt nếu bạn có nước da sẫm màu.

Tuần 17

Đau lưng là điều không thể tránh khỏi trong khi mang thai . Và nếu bạn cảm thấy hay quên hơn bình thường, đó là điều mà nhiều thai phụ gặp phải. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy thai máy vào khoảng tuần 16 đến 25.

Tuần 18

Đến thời điểm, bụng của bạn to dần và bộ ngực của bạn đã căng lên để chuẩn bị cho con bú. Cân nặng sẽ tăng thường xuyên cho đến khi chuyển dạ (thường là khoảng dưới 0,45kg mỗi tuần). Thời điểm này bắt đầu xuất hiện các vết rạn da.

Tuần 19

Trong tam cá nguyệt thứ hai, một số phụ nữ bị ợ nóng, vì hormone thai kỳ làm mềm các cơ của cơ vòng thực quản dưới (LES). Cố gắng ăn các bữa ăn nhỏ hơn, đứng thẳng sau khi ăn, và tránh ăn đồ có tính axit, dầu mỡ hoặc cay. Táo bón cũng có thể xảy ra khi thai nhi ép vào ruột của bạn.

Tuần 20

Đến thời điểm này, em bé đã có thể đạp rất nhiều. Những cú đá khiến bạn cảm thấy như rung rinh trong bụng. Cũng thường gặp trong thời gian này là chuột rút ở chân, sưng ở tay và chân, khô mắt, giãn tĩnh mạch và chứng khó ngủ.

Tuần 21

Mặc dù bạn có thể bị đau dây chằng tròn trong một thời gian, nhưng thường sẽ đau tăng lên khi bé lớn lên. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu ở hông, háng và bụng vì chúng căng ra để chứa tử cung. Tử cung đang phát triển cũng có thể gây áp lực lên phổi của bạn khiến bạn khó thở.

Tuần 22

Mặc dù bạn liên tục tăng cân, nhưng bạn có thể trông xinh đẹp hơn bao giờ hết! Mang thai thường khiến tóc dày, sáng bóng và móng mọc nhanh vì cơ thể bạn dự trữ thêm chất dinh dưỡng. Nhưng ngược lại bạn cũng có thể bị khô da, bị kích thích ở bụng.

Tuần 23

Cái bụng không ngừng lớn dần lên. Trong thời gian này, bạn có thể tiếp tục gặp vấn đề với chuột rút ở chân, đau lưng, tăng tiết dịch, táo bón, đau đầu, rạn da và các triệu chứng khác.

Tuần 24

Trong khi một số phụ nữ vẫn có thể có ham muốn tình dục cao, một số nhận thấy ham muốn tình dục giảm dần. Các triệu chứng mang thai khác bao gồm bàn tay ngứa ran, chảy máu nướu, ngáy to hơn và tăng cân.

Tuần 25

Bàn tay và ngón tay của bạn có cảm thấy bị tê? Bạn có thể bị hội chứng ống cổ tay, xảy ra do hiện tượng phù và giữ nước của cơ thể. Cảm giác tê liệt này sẽ biến mất sau khi bạn sinh con. Trong khi đó, tránh ngủ đè lên tay và hãy thử lắc cổ tay.

Tuần 26

Giấc ngủ có thể không đến dễ dàng khi bạn ở gần tam cá nguyệt thứ ba, phần lớn vì lo lắng, chuột rút ở chân hoặc đi tiểu thường xuyên. Bạn cũng có thể bị ngứa ở tay và chân. Ngứa nhẹ thường là lành tính, có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine, hoặc thuốc làm dịu. Nhưng ngứa dữ dội có thể báo hiệu một rối loạn ở gan gọi là ứ mật thai kỳ cần được thăm khám y tế.

Tuần 27

Ngoài chứng đau lưng và chuột rút ở chân, một số chị em còn mắc bệnh trĩ trong tam cá nguyệt thứ hai. Đó là những búi tĩnh mạch trực tràng giãn ra gây nên, gây ngứa, do lưu lượng máu tăng lên và bệnh này có thể trở nên nặng hơn khi bị táo bón. 

Tuần 28

Chào mừng đến với tam cá nguyệt thứ ba! Càng gần tới lúc chuyển dạ, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy kiệt sức và không thoải mái. Đau và nhức mỏi toàn bộ cơ thể là vấn đề phổ biến.

Tuần 29

Cơ thể bạn đang chuẩn bị để cho con bú, bạn có thể sẽ thấy sữa non màu vàng rỉ ra từ ngực. Chất lỏng này đóng vai trò là tiền thân của sữa mẹ.

Tuần 30

Những cơn ngứa, sưng, đau và ợ nóng vẫn chưa giảm. Các vết rạn da của bạn có thể đang ngày càng rõ rệt hơn. Những vết rạn da này có thể có cách khắc phục, nhưng thường chúng sẽ mờ đi đáng kể sau khi sinh.

Tuần 31

Bạn đã rất vui mừng khi các triệu chứng trong ba tháng đầu biến mất, nhưng một số bây giờ sẽ trở lại. Ví dụ, ngực của bạn trở nên mềm mại để chuẩn bị cho con bú, bạn sẽ mắc đi tiểu thường xuyên vì đầu bé đẩy vào bàng quang, ngoài ra bạn rất mệt mỏi dù làm việc nhẹ. Hãy ráng một chút, chỉ còn vài tuần nữa thôi!

3 triệu chứng gây khó chịu nhưng thực tế là dấu hiệu của một thai kỳ khỏe mạnh
3 triệu chứng gây khó chịu nhưng thực tế là dấu hiệu của một thai kỳ khỏe mạnh

Tuần 32

Sau 20 tuần mang thai, cơ thể bạn có thể bắt đầu xuất hiện các cơn co thắt nhẹ có tên là Braxton Hicks. Đặc trưng bởi một cơn co cứng lại hoặc thắt chặt tử cung đơn thuần và ngày càng thường xuyên hơn khi quá trình mang thai diễn ra. Các cơn co thắt Braxton Hicks thường kéo dài trong khoảng từ 30 giây đến hai phút và chúng sẽ dừng lại nếu bạn thay đổi tư thế. Hãy gặp các bác sĩ nếu bạn gặp phải các cơn co thắt mạnh hơn và thường xuyên hơn; rất có thể đó là một cơn chuyển dạ sớm.

Tuần 33

Em bé của bạn ngày càng lớn, và bé càng ép vào các cơ quan nội tạng của bạn. Kết quả là bàng quang hay mắc tiểu, khó thở, ợ nóng và khó chịu.

Tuần 34

Vậy là chỉ còn vài tuần nữa để chịu đựng các triệu chứng mang thai của mình, cho dù đó là chứng đau lưng, táo bón, vú tiết sữa, trĩ, mờ mắt, mệt mỏi, đau đầu, phù hoặc ợ nóng. Bạn cũng thường xuyên cảm thấy bé đá xung quanh bụng.

Tuần 35

Càng sắp tới ngày chuyển dạ, bạn sẽ nhận thấy các cơn co thắt Braxton Hicks thường xuyên hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn biết cách phân biệt những cơn đau này với các cơn co do chuyển dạ. Cân nặng cũng bắt đầu tăng nhiều vào khoảng tuần thứ 35 và bạn cũng sẽ bị mất ngủ nhiều.

Tuần 36

Em bé của bạn đang di chuyển từ từ xuống thấp hơn. Điều này sẽ giảm áp lực lên các cơ quan nội tạng của bạn, cho phép bạn thở dễ dàng hơn.

Tuần 37

Bạn sẽ khó chịu vùng chậu và cảm thấy tăng áp lực ổ bụng. Nếu bạn có quan hệ trong thời gian này, có thể nhận thấy một chút đốm máu sau khi quan hệ, nhưng bạn không nên lo lắng. Đây có thể là kết quả của sự nhạy cảm, mở rộng cổ tử cung. (Tuy nhiên, hãy tới gặp bác sĩ nếu bạn bị chảy máu nhiều).

Tuần 38

Vào khoảng tuần thứ 37 hoặc 38, bạn không còn thấy chất nhầy ở âm đạo. Nói cách khác, luôn có một nút nhầy chặn cổ tử cung để bảo vệ em bé khỏi vi trùng. Chất nhầy này được phóng thích khoảng hai tuần trước khi chuyển dạ, sẽ biểu hiện dịch tiết màu hồng dày hoặc có chút máu.

Tuần 39

Bạn có thể thấy nước ối nếu vỡ ối. Các dấu hiệu chuyển dạ sớm khác bao gồm các cơn co thắt thường xuyên, tăng áp lực vùng chậu, đau lưng âm ỉ và cảm giác bồn chồn. Nhiều bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện khi các cơn co thắt cứ năm phút đau một lần, kéo dài một phút và tiếp diễn trong một giờ (quy tắc 5-1-1).

Tuần 40

Bạn sẽ tiếp tục trải qua các triệu chứng mang thai như mất ngủ, sưng, đi tiểu thường xuyên và khó chịu vùng chậu cho đến khi em bé ra đời. Nếu bạn đã lên được kế hoạch cho một cuộc mổ bắt con, nó có thể xảy ra trong vài ngày hoặc tuần tới.

Tuần 41

Sự chờ đợi có thể làm mẹ lo lắng và bồn chồn, nhưng hãy bình tĩnh và theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ. Bạn sẽ sớm được gặp con thôi!

Tuần 42

Ở thời điểm này hầu hết em bé đã được ra đời, nếu bác sĩ còn đang theo dõi, có thể họ đang cân nhắc việc sinh mổ. Trong thời gian này, tiếp tục quan sát các dấu hiệu của chuyển dạ.

Web Y Khoa không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Viết câu trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here