Tổng hợp và biên dịch: Bs MD Nguyễn Thị Thúy
Nghiên cứu đã cho thấy châm cứu có hiệu quả vượt trội hơn so với điều trị bằng thuốc trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có kháng insulin. Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Y học cổ truyền Thiên Sơn Thượng Hải đã so sánh hiệu quả của liệu pháp châm cứu với việc sử dụng thuốc metformin hydrochloride trong điều trị PCOS có kháng insulin, đã cho kết quả là điều trị bằng Metformin hydrochloride đạt tỷ lệ hiệu quả 60,0% và châm cứu đạt tỷ lệ hiệu quả 67,7%. Hơn thế nữa, châm cứu tỏ ra vượt trội hơn so với điều trị bằng thuốc để cải thiện chuyển hóa lipid, tình trạng kháng insulin và khả năng điều chỉnh nồng độ testosterone. Ngoài ra, tỷ lệ gặp tác dụng phụ thấp hơn đáng kể trong nhóm châm cứu. [1]
PCOS là một rối loạn chuyển hóa toàn thân với những thay đổi sinh lý bệnh cốt lõi là tình trạng cơ thể kháng insulin và sản xuất ra quá mức lượng hormone androgen. Tỷ lệ mắc PCOS là 6% đến 15% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. [2] Một trong những mục đích trong điều trị PCOS là điều trị và ngăn ngừa các biến chứng chuyển hóa bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin. Metformin là một chất nhạy cảm với insulin được sử dụng để điều trị PCOS. Mặc dù nhược điểm là nó có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, mệt mỏi, khó tiêu, khó chịu ở bụng và đau đầu.
Mục lục nội dung
Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Thiên Sơn Thượng Hải
(Yu và cộng sự) đã sử dụng thiết kế nghiên cứu sau đây. Nghiên cứu bao gồm 70 bệnh nhân tại khoa châm cứu của Bệnh viện Y học Cổ truyền Thiên Sơn Thượng Hải và Bệnh viện Y học Cổ truyền Gia Định Thượng Hải. Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc PCOS kháng insulin. Họ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, trong đó một nhóm điều trị bằng châm cứu điện châm và nhóm thứ hai kiểm soát bằng thuốc, với 36 và 34 bệnh nhân tương ứng trong trong mỗi nhóm.
Cả hai nhóm đều tương đương trong tất cả các vấn đề nhân khẩu học có liên quan trước khi bắt đầu nghiên cứu. Đối với nhóm đối chứng, tuổi trung bình là 31 tuổi và thời gian mắc bệnh trung bình là 2,4 năm. Đối với nhóm điều trị, tuổi trung bình là 30 tuổi và thời gian mắc bệnh trung bình là 2,6 năm. Các tiêu chí khác bao gồm:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán liên quan đến PCOS và tình trạng kháng insulin.
- Chẩn đoán YHCT là đàm thấp do Thận hư
- Từ 18 – 30 tuổi
- Không điều trị PCOS bằng bất kỳ phương pháp nào ngoài nghiên cứu
- Có sự đồng ý của tất cả các đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu
Đối với nhóm được kiểm soát bằng thuốc, bệnh nhân được sử dụng liệu trình điều trị: liều 500mg metformin hydrochloride, hai lần một ngày, trong một chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong 4 tuần, với tổng số 3 liệu trình điều trị. Việc điều trị sẽ bị ngừng nếu bệnh nhân có thai hoặc đường huyết lúc đói <3,6 mmol / L.
Đối với nhóm châm cứu, có hai bộ huyệt khác nhau đã được sử dụng cho nhóm điều trị trong nghiên cứu này, xen kẽ giữa bộ thứ nhất và bộ thứ hai mỗi ngày:
Bộ huyệt 1
- SP9 (Âm lăng tuyền)
- CV12 (Trung quản)
- SP6 (Tam âm giao)
- EX-CA1 (Tử cung)
- ST36 (Túc tam lý)
- KI3 (Thái khê)
- CV4 (Quan nguyên)
- ST25 (Thiên khu)
- GB26 (Đới mạch)
- SP3 (Thái Bạch)
- CV6 (Khí hải)
- ST40 (Phong long)
Bộ huyệt 2
- SP8 (Địa cơ)
- BL22 (Tam tiêu du)
- KI10 (Âm cốc)
- BL20 (Tỳ du)
- BL18 (Can du)
- EX-B3 (Vị quản hạ du)
- BL23 (Thận du)
- SP4 (Công tôn)
- BL32 (Thứ liêu)
Các huyệt thứ cấp được chọn cho nghiên cứu bao gồm:
- LI4 (Hợp cốc)
- LV3 (Thái xung)
Bắt đầu tiến hành châm cứu với tư thế nằm ngửa ở bộ huyệt 1 hoặc nằm sấp đối với bộ huyệt 2 . Sau khi khử trùng các vị trí huyệt, sử dụng kim châm dùng một lần, kích thước 0,30 mm × 40-70mm châm vào từng huyệt. Đối với châm huyệt Tử cung, kim châm hướng về đường giữa bụng tạo góc 60 độ so với mặt da, đạt độ sâu 30 – 70 mm. Đối với các huyệt Du sau lưng, châm kim hướng về phía cột sống tạo góc 30-60 độ, đạt tới độ sâu 20-40 mm. Các huyệt còn lại được châm vuông góc. Khi có cảm giác đắc khí, áp dụng thao tác vê nhẹ kim mỗi 10 phút trong thời gian duy trì kim 30 phút.
Sau khi châm, sử dụng máy điện châm G6805-II để kết nối với kim. Đối với bộ huyệt 1, một cặp điện cực dương và âm được gắn vào các cặp huyệt sau tương ứng: huyệt Đới mạch và huyệt Tử cung (cùng bên), Trung quản và Thiên khu (bên trái), Khí hải và Thiên khu (bên phải). Đối với bộ huyệt thứ hai, một cặp điện cực dương và âm được gắn vào các nhóm huyệt sau: Tỳ du và Vị quản hạ du (cùng bên), Thứ liêu và Thận du (cùng bên). Kích thích điện châm liên tục cường độ 2Hz phù hợp với sự chịu được của bệnh nhân trong suốt thời gian lưu kim 30 phút. Phương pháp điện châm được áp dụng 3 lần mỗi ngày (sau mỗi 1-2 ngày), một liệu trình tương đương một chu kỳ kinh nguyệt hoặc 4 tuần, tổng số 3 liệu trình điều trị.
Đánh giá hiệu quả điều trị
Nhiều chỉ số sinh hóa được đo trước khi điều trị và 3 tháng sau điều trị để theo dõi và đánh giá kết quả. Đầu tiên, sự chuyển hóa lipid được xác định bằng cách đo nồng độ triacylglycerol (TG), cholesterol toàn phần (TC), lipoprotein mật độ cao (HDL) và lipoprotein mật độ thấp (LDL) trong máu. Thứ hai, mô hình cân bằng nội môi-chỉ số kháng insulin (HOMA-IR) đã được tính toán. Thứ ba, nồng độ testosterone (T) trong huyết thanh được so sánh trước và sau khi điều trị. Thứ tư, hiệu quả điều trị cho mỗi bệnh nhân được phân thành 1 trong 4 tầng:
- Phục hồi: Mang thai trong quá trình điều trị hoặc trong vòng 3 tháng sau khi điều trị. Chu kỳ kinh nguyệt, khối lượng, màu sắc và các đặc điểm khác của kinh nguyệt trở về bình thường. Nồng độ testosterone huyết thanh bình thường. Homa-IR <2,69. Mất các triệu chứng lâm sàng của bệnh.
- Hiệu quả rõ rệt: Xuất hiện kinh nguyệt trong khi điều trị hoặc trong vòng 3 tháng sau khi điều trị. Cải thiện đáng kể chu kỳ, khối lượng, màu sắc và các đặc điểm khác của kinh nguyệt. Cải thiện đáng kể nồng độ testosterone huyết thanh. Homa-IR <2,69. giảm đáng kể các triệu chứng lâm sàng.
- Hiệu quả: Cải thiện các triệu chứng lâm sàng. Cải thiện chu kỳ, khối lượng, màu sắc và các đặc điểm khác của kinh nguyệt. Cải thiện nồng độ testosterone huyết thanh.
- Không hiệu quả: Không cải thiện các triệu chứng lâm sàng, chu kỳ, thể tích, màu sắc và các đặc điểm khác của kinh nguyệt, cũng như nồng độ testosterone trong huyết thanh.
Kết quả
Sau khi điều trị, nồng độ Testosterone, HOMA-IR, LDL, Triglycerid và Cholesterol toàn phần (TC) huyết thanh giảm đáng kể ở hai nhóm (p < 0,01, p <0,05) và HDL tăng đáng kể (p < 0,01); mức độ TC trong nhóm điện châm sau điều trị thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng thuốc (p<0,05). Ngoài ra, tổng cộng có 10 bệnh nhân trong nhóm dùng thuốc đã báo cáo các triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi và các tác dụng phụ khác, trong đó có 4 bệnh nhân yêu cầu ngừng điều trị. Chỉ có 4 bệnh nhân trong nhóm điện châm có các phản ứng bất lợi nhẹ như tụ máu dưới da, không cần phải ngừng điều trị. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng châm cứu an toàn và hiệu quả hơn trong điều trị PCOS có kháng insulin so với metformin hydrochloride.
Tài liệu tham khảo:
[1] Yu LQ, Cao LY, Xie J, et al. Efficacy and mechanism of electroacupuncture on insulin resistant polycystic ovary syndrome[J]. Chinese Acupuncture and Moxibustion, 2020,04:379-383.
[2] Klimczak D, Szlendak-Sauer K, Radowicki S. Depression in relation to biochemical parameters and age in women with polycystic ovary syndrome[J]. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol, 2015, 184: 43-47.